Home > Ẩm thực > Gỏi gà măng cụt non – món đặc sản Bình Dương cực hot

Gỏi gà măng cụt non – món đặc sản Bình Dương cực hot

///
Comments are Off

Cứ hè đến cộng đồng mạng lại thi nhau chia sẻ món gỏi gà măng cụt từ cách làm đến review khi ăn… vì đây được coi là “nữ hoàng” ẩm thực thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8. Để thưởng thức vị ngon lạ miệng từ sự kết hợp hoàn hảo giữa măng cụt và thịt gà, thậm chí nhiều người phải truy lùng đến tận Tỉnh Bình Dương.

Ảnh: Foody

Sở hữu sức hút mãnh liệt với thực khách nên rất nhiều nhà hàng ở Bình Dương thêm tên món này vào menu. Thế nhưng do khâu chế biến khá cực và cần phải biết chọn lựa nguyên liệu, chưa có nhiều nhà hàng tại TPHCM cũng như các tỉnh khác phục vụ món này. Do đó người người đều phải mày mò, bày biện nấu ngay tại nhà. Từ đây lại ra đời nhiều bài viết chia sẻ công thức, video dạy cách chế biến cũng như trải nghiệm nấu thử món mới nhận được hàng triệu lượt xem, bình luận và chia sẻ.

Ai chưa ăn thì cứ nghĩ nếu măng cụt non đem đi trộn gỏi sẽ bị đắng chát nhưng không, vị ngọt thanh cộng sự dai dai của gà trong miệng vô cùng hấp dẫn khiến người ta chịu bỏ công để đi xa hay cố mà nấu cho ra để thưởng thức bằng được.

Món gỏi gà măng cụt vốn là đặc sản Lái Thiêu, Tỉnh Bình Dương. Đây được xem là vựa măng cụt lớn nhất, ngon nhất của tỉnh. Với người dân địa phương, món này được mệnh danh là “vua gỏi” bởi sự thơm ngon khó tìm. Muốn thưởng thức vị chuẩn của nó phải đợi khi hè về, đến mùa măng cụt từ tháng 4 – 6 hàng năm mới có.

Giống như tên gọi, món này gồm hai nguyên liệu chính là thịt gà và măng cụt, kết hợp thêm các loại gia vị như rau răm, hành phi, hành tây, đậu phộng… Thông thường, gỏi sẽ ăn kèm cháo nóng hoặc dùng làm món khai vị trong các bữa tiệc.

Món gỏi nhìn đơn giản nhưng công bỏ ra đến lúc thành phẩm là cả một quá trình. Ngay từ bước chọn nguyên liệu đã quyết định đến 80% hương vị của món ăn. Chính vì để có được độ giòn và tươi ngon thì người làm phải chọn măng cụt vỏ còn xanh hay chuyển vàng nhẹ, lúc đó phần thịt chua ít, ngọt nhiều. Ngoài ra, sử dụng loại măng cụt vỏ xanh để dễ tách vỏ và lúc đem đi trộn sẽ không bị dập nát hoặc chuyển từ màu trắng sang màu nâu như loại đã chín cây.

Phần gà làm gỏi thường chọn mua gà ta chắc thịt, vị ngọt tự nhiên không bị bở. Gà được luộc đến độ chín mềm vừa phải và và xé miếng vừa ăn, trộn với hành tây cắt sợi, cà rốt, gia vị. Đặc biệt nước chấm cũng là một thành tố quyết định – phải có độ mặn, chua ngọt vừa phải kèm độ sánh. Cuối cùng là thêm chút hành phi, rau răm và đậu phộng để tăng hương vị món ăn.

(Tổng hợp)